x
 

Giá xăng giảm, cước vận tải lặng thinh

Đăng lúc: Thứ hai - 24/08/2015 07:56 - Người đăng bài viết: Quan Nhân
 
Doanh nghiệp vận tải không giảm giá dù xăng dầu giảm 4 lần kể từ tháng 7. Ảnh: Bảo An.

Doanh nghiệp vận tải không giảm giá dù xăng dầu giảm 4 lần kể từ tháng 7. Ảnh: Bảo An.

Tăng nhanh, giảm chây ỳ

Từ chiều 19/8, giá xăng RON 92 giảm 768 đồng/lít, đưa giá bán lẻ mới không cao hơn 18.536 đồng/lít. Tính từ đầu năm đến nay, giá xăng loại này được điều chỉnh 10 lần, trong đó có 6 lần giảm và 4 lần tăng. Tổng cộng, qua 4 lần tăng, giá xăng RON 92 tăng thêm 5.040 đồng/lít; qua 6 lần giảm giá, xăng đã giảm được 4.388 đồng/lít. Như vậy, giá xăng đã về gần với mức giá thấp nhất của đầu năm 2015 (thời điểm 6/1 là 17.570 đồng/lít).

Quay lại thời điểm đầu năm 2015, khi giá xăng dầu giảm kỷ lục, các cơ quan chức năng cử người thanh tra các DN vận tải không giảm giá. Sau đó, các hãng taxi đưa giá cước về mức phổ biến 9.000 đồng/km đối với xe 5 chỗ. Vào tháng 5, 6, khi giá xăng tăng, các DN ồ ạt đưa giá cước taxi (cùng loại 5 chỗ) lên cao trở lại.

Theo khảo sát của PV Tiền Phong tại Hà Nội ngày 20/8, giá cước taxi ở Hà Nội với loại xe 5 chỗ hiện phổ biển ở mức 11.000 đồng/km. Hãng Vic Taxi ghi hẳn ngoài xe cam kết “giá tốt nhất”, và logo “đã giảm 800 đồng/km” (không rõ giảm khi nào) vẫn thu giá 11.000 đồng/km. Hãng rẻ nhất (theo khảo sát của PV với 10 hãng) là Bắc Á Taxi cũng chỉ kém 200 đồng/km (tức thu 10.800 đồng/km). Với taxi hạng sang (như Mai Linh, Taxi Group) thu từ 14.000 – 16.000 đồng/km với xe Vios 5 chỗ.

Dịch vụ xe tải, xe khách được hưởng lợi lớn nhất trong thời gian vừa qua do giá dầu diezel giảm mạnh. Cụ thể, giá dầu diezel vào tháng 1/2015 là 16.630 đồng/lít (lúc đó, xăng dầu xuống giá thấp kỷ lục). Qua các đợt tăng giảm, giá dầu diezel lại tiếp tục hạ (hiện nay 13.421 đồng/lít, giảm hơn 3.000 đồng/lít). Mặc cho giá giảm, các DN vận tải hành khách vẫn lặng thinh.

Ông Nguyễn Mạnh Tuấn – Phó GĐ Bến xe Mỹ Đình (Hà Nội) cho hay: Một tháng gần đây chưa nhận được đề nghị giảm giá nào của doanh nghiệp. Ông Kiều Nam Thành – GĐ Bến xe Miền Tây (TPHCM)  cũng khẳng định DN vẫn giữ nguyên giá như đầu năm. Ông Nguyễn Tất Thành, GĐ bến xe Giáp Bát đưa ra một tín hiệu đáng mừng: Cty Hoàng Long ngày 19/8 vừa thông báo giảm 2.000 đồng (từ 77.000 đồng xuống 75.000 đồng) cho tuyến Hà Nội – Thái Bình. Ông Thành hy vọng các DN không tăng giá để “kiếm” vào dịp 2/9 sắp tới.

Đợi cơ quan chức năng ra tay

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho hay, thông thường, xăng dầu biến động 10%, thì các DN vận tải cần điều chỉnh giá cước. Tuy nhiên, theo ông Thanh, hiệp hội chỉ đưa ra khuyến cáo các doanh nghiệp giá niêm yết giá hợp lý, tránh bị khách hàng tẩy chay. “Giá cước vận tải vận hành tự do theo cơ chế thị trường; nên hãy để thị trường quyết định. Tôi đã nhiều lần đề nghị Bộ Tài chính, có quỹ bình ổn hãy cố gắng bình ổn thực sự; chứ giá xăng dầu biến động liên hồi, DN taxi, xe khách rất khổ, tốn kém điều chỉnh đồng hồ, in lại vé mà dân không được nhờ” – ông Thanh nói.

Theo đánh giá của một giám đốc bến xe, vì lợi nhuận, việc các DN vận tải tăng thì chóng, giảm thì “chầy” là đương nhiên. Vì thế, nếu không có bàn tay đốc thúc của cơ quan nhà nước, các DN vận tải không dại gì hạ giá. “Lốt tuyến, xe cộ vẫn thế, dư luận không lên tiếng, cơ quan chức năng không vào cuộc như đầu năm, giá cước sẽ không bao giờ giảm” – ông này nói.

Một lãnh đạo Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cho hay: “Đề xuất đưa giá cước vận tải vào quản lý giá của Bộ GTVT không được Bộ Tài chính và Chính phủ chấp thuận. Vì vậy, giá cước vận hành theo cơ chế thị trường và quyền giám sát chính vẫn thuộc Bộ Tài chính”. Vị này cũng khẳng định, nếu các DN tiếp tục án binh bất động thì dù là giá cước vận tải vận hành theo cơ chế thị trường, việc áp dụng biện pháp thanh tra về giá như đã làm từ đầu năm nay cần nghiên cứu áp dụng.

(Theo Tiền Phong)